A. Bằng chứng và phân tích.
Lưu ý: “Năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng và tiếp đó bị địch bắt và xử bắn vào ngày 25-5-1941. ” (văn bản 1)
“Đầu năm 1955, trong cải cách ruộng đất, gia đình cụ Phan Đăng Dư bị quy địa chủ, tất cả nhà cửa, tài sản bị tịch thu. Cụ bị kết án 20 năm tù và bị giải đi nhà lao Bến Hới (Tân Kỳ). Trên đường từ trại Mụ Vạc (Đồng Thành-Yên Thành) lên Tân Kỳ, vì tuổi cao, sức yếu, bấy giờ cụ đã 80 tuổi, cụ không đi nổi, phải ngồi lên gióng cho các bạn tù thay nhau gánh đi, đường xa phải đi 2 ngày, vì đói, có lúc phải kéo trệt giữa đường. Lên đến Bến Hới, cụ đã yếu lắm rồi, hai ngày sau thì cụ qua đời. ” (văn bản 1)
“(*) Thư này được gởi đi từ Bưu điện Sài Gòn, đóng dấu 22 giờ ngày 2/5/1941, đến Bưu điện Hà Tĩnh 11h30 ngày 5/5/1941. Nguyên văn bằng chữ Pháp, viết bằng bút chì…bức thư mang đặc trưng “đa nghĩa” của một tác phẩm văn học nên nó đã vượt qua được sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù.” (văn bản 2)
Nhận xét: Đây chính là Diệt Khẩu thì phải Diệt Thân!
Hai người anh em của ông liệu có được sống an lành? (Đề nghị ai biết thì thông tin thêm).
Làm gì có bức thư mà “bức thư mang đặc trưng “đa nghĩa” của một tác phẩm văn học nên nó đã vượt qua được sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù”?
Sự xuất hiện của những bức thư của tử tù trước khi chết này (Thư của Phan Đăng Lưu, thư của Nguyễn Thị Minh Khai…) chỉ càng chứng tỏ bọn quỷ khi thủ tiêu, giết người xong đã chuẩn bị bằng chứng chối tội của chúng mà thôi!
B. Tài liệu nghiên cứu.
(văn bản 1)
Chuyện về người cha của Phan Đăng Lưu
http://www.vietgle.vn/diendan/showthread.php/18990-Chuyen-ve-nguoi-cha-cua-Phan-Dang-Luu
Cụ Phan Đăng Dư (1874 – 1955), còn có tên là Phan Đăng Kính, lúc sinh thời bà con Tràng Thành (Hoa Thành) thường gọi là Cụ Phán, bởi cụ có 4 người con trai, trong đó có ba người con là trí thức yêu nước, làm Thông phán nhưng đều hoạt động cách mạng: Phan Đăng Lưu (Phán Tằm), Phan Đăng Triều (Phán Triều), Phan Đăng Tài (Phán Tài).
Sinh ra vào năm 1874, trong một dòng họ có truyền thống yêu nước, khoa bảng và nhân văn, ở vào thời gian mà nhân dân làng Tràng Thành quê ông đang đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã, Phan Đăng Dư đã sớm bộc lộ tư chất của mình: ham học, khí khái, ghét áp bức cường quyền, ghét bọn xâm lược… Lúc nhỏ, cụ được cha mẹ cho đi học chữ Hán, cụ có dự thi hương Trường Nghệ nhưng không đỗ đạt, về nhà làm nghề bốc thuốc nam, làm thầy địa lý để giúp đỡ dân làng và giao du với bạn bè. Năm 1908, Cụ cử nhân Chu Trạc tập hợp những người nghĩa khí vào “nghĩa đảng” để mưu đồ sự nghiệp chống Pháp, cụ đã cùng một số bà con trong họ tham gia nghĩa quân, đồng thời vận động những nhà phú hữu góp tiền cho nghĩa quân mua võ khí. Với ít nhiều chữ nghĩa và năng khiếu làm thơ phú, câu đối, Phan Đăng Dư đã giúp Chu Trạc cùng Chu Trạc và những cộng sự thân tín soạn bài hịch cứu nước, những bản cáo thị sục sôi tinh thần yêu nước, chống Pháp có tác dụng thức tỉnh tinh thần nhân dân, mà đến nay ta được đọc đôi dòng trích trong các sách lịch sử:
“Ai là khách anh hùng xin hãy chung lưng đấu cật
Nước mất còn chỉ ở lúc ni”.
Tây và Nam triều tìm cách bắt bớ, tra tấn nghĩa quân, cụ Dư cũng bị bắt và bị đánh hỏng bàn tay cầm bút. Vì vậy khi đi thi, chữ cụ quá xấu nên bị đánh hỏng.
Khi người con trai cả Phan Đăng Lưu bỏ việc để đi vào con đường hoạt động cách mạng, cụ và cụ bà Trần Thị Liễu đã khuyến khích, tạo điều kiện để các con mở xưởng dệt vải khổ rộng tại làng để làm cơ sở hoạt động của Đại tổ Tân Việt Tràng Thành năm 1927-1928.
Từ cuối năm 1929 đến năm 1936, khi đồng chí Phan Đăng Lưu bị địch bắt đày vào nhà lao Ban Mê Thuột, hai vợ chồng cụ vừa phải tìm mọi cách để tránh sự theo dõi, khống chế của bọn mật thám và binh lính vừa giúp đỡ vợ con Phan Đăng Lưu vượt qua những năm tháng gian khó. Biết con trai đang ở tù nhưng cụ vẫn tin tưởng vào con đường các con đã đi “gửi chí lớn vào đàn con trẻ”.
Năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng và tiếp đó bị địch bắt và xử bắn vào ngày 25-5-1941. Đứng trước sự mất mát quá to lớn, cụ đã nén đau thương, động viên vợ con chịu đựng đau thương.
Trong những năm hoạt động cách mạng ở Huế, để che mắt địch, theo yêu cầu của công tác, đồng chí Phan Đăng Lưu đã kết hôn với bà Nhồng, giao thông viên của Xứ ủy và đã có một người con trai. Sau ngày đồng chí Phan Đăng Lưu hy sinh, bà Nhồng cùng con trai về quê Tràng Thành ở với ông bà. Thương hai người con dâu góa bụa và để tránh va chạm thường tình, cụ đã khuyên bà Nhồng: “Con còn trẻ quá, có ai thương thì chắp nối, ông bà nuôi cháu cho con”. Ở với hai cụ một thời gian, bà Nhồng trao người con lại cho hai cụ và tái giá với ông Bính, một cựu tù chính trị quê ở huyện Nghi Lộc. Người cháu trai ấy là Phan Đăng Luyến được ông bà nuôi dưỡng, sau này là Vụ phó của Ban Tổ chức Chính phủ (Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Danh, vợ trước của đồng chí Phan Đăng Lưu ở quê với ông bà, tiếp tục tham gia Hội phụ nữ cứu quốc và trở thành Ủy viên chấp Ủy Việt Minh làng Tràng Thành từ tháng 12-1945, sau đó tiếp tục là Hội trưởng phụ nữ Tràng Thành nhiều năm.
Trong kháng chiến chống Pháp, các con cháu của cụ hầu hết đều thoát ly, tham gia kháng chiến. Ông Phan Đăng Tài, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Tĩnh, là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Hà Tĩnh, sau ra công tác ở Liên khu Bốn, rồi ra Việt Bắc.
Đầu năm 1955, trong cải cách ruộng đất, gia đình cụ Phan Đăng Dư bị quy địa chủ, tất cả nhà cửa, tài sản bị tịch thu. Cụ bị kết án 20 năm tù và bị giải đi nhà lao Bến Hới (Tân Kỳ). Trên đường từ trại Mụ Vạc (Đồng Thành-Yên Thành) lên Tân Kỳ, vì tuổi cao, sức yếu, bấy giờ cụ đã 80 tuổi, cụ không đi nổi, phải ngồi lên gióng cho các bạn tù thay nhau gánh đi, đường xa phải đi 2 ngày, vì đói, có lúc phải kéo trệt giữa đường. Lên đến Bến Hới, cụ đã yếu lắm rồi, hai ngày sau thì cụ qua đời. Có hai người tù cùng quê, một người là thông gia, một người là bà con… đã cùng các bạn tù chôn cất cụ. Sau mấy năm, một người anh em trong thân tộc đã lên Bến Hới bốc hài cốt cụ về an táng tại Bờ Già, gần làng Đông (tức là chòm Phan Đăng Lưu) quê cụ. Trong phong trào cất bốc mồ mả, cải tạo đồng ruộng những năm 1968 – 1972, những người trực tiếp cải táng cụ ở Bờ Già không còn nữa nên tổ bốc mộ đã bốc nhầm hài cốt của một người khác. Gần đây, con cháu đã tìm lại được phần mộ của cụ ở gần khu lăng mộ tộc họ ở Cồn Sùng Hoa Thành.
Rất đáng tiếc, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu lại bị những oan trái trước những va đập của lịch sử. Đảng ta đã nghiêm túc kiểm điểm và nhận sai lầm của cải cách ruộng đất. Trong đợt sửa sai ở Tràng Thành năm 1956, ông Trần Hữu Dực, ông Chu Văn Biên thay mặt tổ chức gặp ông Phan Đăng Tài (con trai cụ Dư) hỏi ý kiến về việc sẽ trả lại nhà cửa cho gia đình con cháu cụ Dư, nhưng ông Phan Đăng Tài nói: “Sai thì đã sai rồi, nhà thì bà con đã được chia nhau ở, mà cũng phần lớn là người trong xóm, trong họ, đều nghèo cả, gia đình không nhận và xin cứ giữ nguyên như thế cho bà con yên”…
(văn bản 2)
Thư viết từ khám tử hình – Phan Đăng Lưu với mặt trận dân chủ ở Huế (1936 – 1939)
09:23 | 20/08/2008
LTS: Phan Đăng Lưu là một nhà cách mạng tiền bối, tiêu biểu của Đảng từng hoạt động ở Huế và có ảnh hưởng lớn đến trí thức văn nghệ sĩ yêu nước thời bấy giờ. Chính nhà thơ Tố Hữu cũng đã thổ lộ điều đó trong bài thơ Quê me (Anh Lưu anh Diểu dạy con đi).Nhân 100 năm ngày sinh Phan Đăng Lưu (5.5.1902 – 5.5.2002), Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu về đồng chí, đặc biệt là bức Thư viết từ khám tử hình – bức thư mang đặc trưng “đa nghĩa” của một tác phẩm văn học nên nó đã vượt qua được sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù.
THƯ VIẾT TỪ KHÁM TỬ HÌNH
(*) Thư này được gởi đi từ Bưu điện Sài Gòn, đóng dấu 22 giờ ngày 2/5/1941, đến Bưu điện Hà Tĩnh 11h30 ngày 5/5/1941. Nguyên văn bằng chữ Pháp, viết bằng bút chì.
Con yêu quý (*)
Chắc là qua báo đăng, con đã biết tin cha bị kết án tử hình trong các điều mà cha bị buộc tội có những điều sau đây:
- Theo lời khai của người nào đó tên là T trước khi chết, thì cha đã tham gia cùng anh ta trong một cuộc hội nghị bí mật ngày 19/11/1940, từ đó phát đi lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thế nhưng chính ngày đó (ngày 19/11) cha còn ở Hà Nội và chỉ về tới Sài Gòn sau ngày 22/12. Con thử nghĩ xem cha có cái thuật phân thân như một Phakia (1) hay phép biến hoá vô cùng như một vị đại thánh trong huyền thoại không?
- Dường như cha đã thảo một lời kêu gọi gửi quân đội cách mạng. Thật ra, đó chỉ là một mảnh giấy trên đó có 4 – 5 dòng tiếp theo bản ghi chép của cha về Tân tứ quân của Đảng cộng sản Trung Quốc (Ôi dịch tức là phản!) (2).
Đó là hai tội, là điều đã mang lại cho cha án tử hình.
Nhưng con yêu quý con đừng buồn, con cố gắng lau khô nước mắt của mẹ con, hãy an ủi mọi người trong gia đình, nhất thiết đừng có chạy chọt, điều đó chỉ uổng công vô ích thôi.
Trong lúc chờ quyết định cuối cùng từ Pháp sang, cha hiện đang bị nhốt tại khám lớn Sài Gòn, phòng số 13. Chế độ dành cho cha và các bạn tù có thể nói là không chê trách được, nếu như không khí ở đây không ngột ngạt, vì phòng giam đúng là một cái lò, trong đó mọi người bị rang lên thật sự. Chỉ sợ cha và các bạn không thể sống lay lắt cho đến ngày hành hình.
Dẫu sao, cha cùng bình tâm nhận số phận đã dành cho mình và kiên gan chịu đựng.
Một lần nữa, con hãy tự an ủi và làm khuây lòng tất cả những người mà cha thương mến. Con trả lời cho cha càng sớm càng tốt.
PHAN ĐĂNG LƯU
——————
(*) Thư này được gởi đi từ Bưu điện Sài Gòn, đóng dấu 22 giờ ngày 2/5/1941, đến Bưu điện Hà Tĩnh 11h30 ngày 5/5/1941. Nguyên văn bằng chữ Pháp, viết bằng bút chì.
(1) Phakia, gốc từ chữ Arập, tên gọi những thầy tu khổ hạnh ở Ấn Độ.
(2) Đây nguyên là thành ngữ La tinh được Phan Đăng Lưu viết bằng chữ La tinh trong thư “O tranuttore traditore” nghĩa là “Ôi dịch tức là phản”, có ý ám chỉ người dịch bản ghi của cha về Tân tứ quân ra chữ Pháp đã dịch sai, gây nên sự hiểu lệch đi của người Pháp nghiên cứu hồ sơ của anh. Thành ngữ này đã mang tính quốc tế phổ biến.