Bài 4. Võ Thị Sáu và các anh trai? Lê Thị Hồng Gấm và em trai tại sao lại hy sinh cùng một năm?

A. Nhận xét:

1.Các anh trai Võ Thị Sáu tên là gì? Còn sống tới 1975 hay không?

Năm 1949, chị gặp được người anh trai là chiến sĩ cách mạng ” (Văn bản 1)

“Giống như các anh mình, chị Sáu tham gia hoạt động bí mật ở địa phương. ” (Văn bản 2 – ảnh 1)

  1. Tại sao Lê Thị Hồng Gấm và em trai chết cùng năm 1970?

“Đứng trước ngôi nhà cũ của gia đình chị Gấm, tôi gặp chị Dương Thị Hết, con dâu út, là vợ anh Lê Thanh Trúc, chiến sĩ Công an – người thừa tự nuôi hai con ăn học, sau khi anh Trúc bất hạnh qua đời do tai nạn mấy năm trước.

Chị Hết cho biết: Em kế chị Tư Gấm là liệt sĩ Lê Văn Nhựt hy sinh năm 1970. Chị Lê Thị Hồng Cẩm thứ ba, là bịnh binh ở cùng ấp với các anh Lê Trọng Nghĩa (thương binh ¼) thứ sáu, ” (Văn bản 5 – ảnh 2)

B. Tài liệu nghiên cứu.

            (Văn bản 1)

Võ Thị Sáu – người con ưu tú của vùng Đất Đỏ miền Đông

http://pclamdong.evnspc.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1281%3Anhng-ngi-ph-n-vit-nam-trong-lch-s&Itemid=431

Đông Nam Bộ là địa bàn chính của căn cứ kháng chiến phía Nam, trụ sở của Trung Ương cục miền Nam. Đây cũng chính là quê hương của những người con anh hùng của Tổ Quốc, một trong những nhân vật đó chính là chị Võ Thị Sáu, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu (1935 – 1952) quê ở Xã Long Mỹ, nay là Xã Phước Long Hội, Huyện Đất Đỏ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị là con thứ sáu của ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa và bà Nguyễn Thị Đậu bán bún bò.

Năm 1949, chị gặp được người anh trai là chiến sĩ cách mạng tuyên truyền giáo dục nên chị trốn theo anh lên chiến khu công tác và chị được giao làm trinh sát, là Đội viên của công an xung phong quận Đất Đỏ. Sớm có lý tưởng cách mạng, ý thức căm thù thực dân Pháp, Võ Thị Sáu đã cố gắng công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Chị cũng thường đột nhập vào nội thành nắm tình hình địch và tiếp tế lương thực cho đồng đội ở chiến khu.

Năm 1950, chị bị lính ngụy bắt giam vì ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, diệt một Cai tổng Tòng quan ba và làm bị thương hai mươi tên lính Pháp. Do chưa đủ tuổi nên chị bị giam ở Bà Rịa, sau đó chuyển đến khám Sài Gòn, Chí Hòa. Mặc dù mới 15 tuổi chị đã bị kẻ thù tra tấn dã man, đày đọa khổ sở, nhưng Võ Thị Sáu vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Pháp không tra hỏi được thông tin gì và vội kết án tử hình – vụ án đã gây chấn động trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, các luật sư bào chữa cho chị Sáu liên tục phản đối vì chị chưa đủ 18 tuổi.

Trong suốt 3 năm giam cầm chị luôn hồn nhiên vui vẻ, tin tưởng vào ngày chiến thắng của cách mạng. Ngày 21/1/1952, chị bị đưa lên tàu ra Côn Đảo với số tù 6267 và giam vào xà lim Sở Cò, và đêm hôm sau, được chi bộ nhà tù kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 7 giờ sáng, ngày 23/1/1952 chúng đưa chị đi xử bắn, khi đó chị mới 17 tuổi.

Người con gái tuổi đời 17, cái tuổi đầy nhiệt huyết với cuộc sống, với lý tưởng cách mạng, chị hiên ngang bước ra pháp trường với tinh thần không khuất phục trước kẻ thù: “Tao không sợ chết, cứ để tao nhìn viên đạn của chúng mày bắn vào ngực tao” và chị hô to : “Việt Nam độc lập thống nhất”. Đối mặt với cái chết, trước những họng súng sẵn sàng nhả đạn, chị đã không hề nao núng và hô vang những lời cuối cùng “Hồ Chủ tịch muôn năm” át cả tiếng súng kẻ thù. Hiện nay, mộ của chị Võ Thị Sáu tọa lạc ở nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo. Ngày 2/9/1994, chị đã được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, hình ảnh của chị Võ Thị Sáu đã đại diện cho cả thế hệ trẻ Việt Nam xung phong gia nhập kháng chiến. Những câu nói của chị, cùng với những lời đanh thép của Nguyễn Văn Trỗi “Việt Nam muôn năm!”, tinh thần quả cảm của Bế Văn Đàn  ”Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi” hay “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” của Nguyễn Viết Xuân, nụ cười bất tử của chị Võ Thị Thắng… tất cả những câu nói, những hành động đó vẫn còn sống mãi với thời gian.

Ở tuổi 17, chị mãi mãi nằm lại Côn đảo trong sự tiếc thương của đồng đội, đồng bào. Nhiều văn nghệ sĩ đã xúc động lấy gương chị làm chất liệu sáng tác. Nổi nật nhất có bài ca: “Biết ơn Chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn với những lời ca trữ tình từ lời bài hát : “….Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, Chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước. Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi ”.

Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca “. Vâng, chị Sáu vẫn sẽ sống cùng lịch sử cách mạng việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca Việt Nam, đồng thời chị góp phần tô điểm rạng rỡ cho non sông đất nước Việt Nam, là tấm gương kiên cường, bất khuất cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới.

Đứng trước những thách thức từ cuộc sống, ở độ tuổi thanh niên, chúng ta hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước giống như chị Võ Thị Sáu ngày nào./.

(Văn bản 2)

Chị Võ Thị Sáu bị bắn ở đâu trên Côn Đảo?

6/1/2012

http://congan.baria-vungtau.gov.vn/phong-trao-an-ninh-to-quoc.aspx/2012/01/1773

Chị Võ Thị Sáu, người nữ anh hùng Đất Đỏ bị địch bắt và  đưa ra hành hình ở Côn Đảo. Chị đã đón nhận cái chết nhẹ nhàng, thanh thản, đó là sự thật không ai chối cãi. Tuy nhiên, chị bị bắn ngày nào, lúc nào và ở đâu trên Côn Đảo thì hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi.  

Chị Sáu mất ngày nào?

Trong cuốn “Truyền thống cách mạng của Phụ nữ Nam Bộ Thành đồng”, của Tổ sử  Phụ nữ Nam Bộ, do Giáo sư Trần Văn Giàu hiệu đính, ở trang 158 ghi: “Sáng ngày 23/12/1952, thực dân Pháp đưa Võ Thị Sáu ra Hàng Dương xử bắn một cách phi pháp…”. Nhà thơ Phùng Quán trong bài “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” được giải nhất cuộc thi văn nghệ toàn quốc năm 1955 cũng nói vậy. Tuy nhiên, theo một chiến sĩ người Hải Phòng từng bị giam cầm trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp thì thông tin trên không chính xác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thống, người có nhiều năm nghiên cứu về Côn Đảo cho biết: Sau khi nghe các chiến sĩ còn sống phản bác ngày mất của chị Sáu, anh đã gặp các chiến sĩ là  tù binh thời kháng chiến chống thực dân Pháp từ Hải Phòng về thăm Côn Đảo. Các chiến sĩ đã cho biết, thời điểm chị Sáu bị bắn diễn ra trước thời điểm họ vượt ngục. Ngày họ vượt ngục Côn Đảo là ngày 12/12/1952. Chắc chắn là chị Sáu phải xử bị bắn trước thời điểm họ vượt ngục chứ không thể là ngày 23/12/1952.

Sau khi có thông tin trên, UBND huyện Côn Đảo đã đề nghị yêu cầu xác minh các tư liệu. Khi đó, anh Nguyễn Đình Thống đã có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu còn lại của Côn Đảo. Đặc biệt, anh đã đọc cuốn “Sổ giám sát tử vong 1947 – 1954”. Sổ ghi bằng tiếng Pháp, trong phần tên của tử tù đã bị bắn ngày 23/1/1952 có ghi rõ: “Le 23 Janvier 1952: 195 G.267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23/1/1952 7h P.Condor Par balles…” (Tù nhân số G 267 Võ Thị Sáu bị xử bắn vào ngày 23/1/1952). Với nguồn tư liệu trên có thể khẳng định chị Sáu bị bắn là ngày 23/1/1952.

Vậy vì sao sử sách và  cả sách giáo khoa đều ghi là ngày 23/12/1952? Trong quá trình nghiên cứu các tư liệu còn sót lại trên đảo, anh Thống đã tìm ra nguyên nhân. Ngay sau ngày chị Sáu mất, anh em tù đã dựng một tấm bia xi măng ghi ngày mất là 23/1/1952. Nhưng tấm bia này vừa dựng xong thì đã bị chúa Đảo Jarty chạy xe cán nát. Anh em tù dựng lại, sau đó tấm bia tiếp tục bị đập, anh em tù phải giấu tấm bia xuống đất để khỏi bị lính trên đảo đập phá. Mấy năm sau tấm bia mới được moi lên thì chữ số đã nham nhở. Chính vì vậy mới có tình trạng đọc nhầm từ tháng Giêng (1) ra tháng Chạp (12)!

Có hay không cây dương cụt ngọn? Cây dương hai nhánh?

Sau khi chị Sáu mất, rất nhiều thông tin cho rằng chị Sáu rất linh thiêng. Thậm chí, những người yêu mến chị còn phong cho chị là “thánh” ở vùng đất Côn Đảo. Sự linh thiêng này còn truyền tụng cho đến ngày nay thông qua sự thêu dệt của cả các hướng dẫn viên du lịch. Đây là thông tin mà các cán bộ huyện đảo phải khổ sở khi gặp khách đến thăm đảo, vì câu đầu tiên họ không ai hỏi về truyền thống, lịch sử của Côn Đảo mà cứ hỏi là chị Sáu linh thiêng ra sao!

Có nhiều lời đồn thổi rằng, lúc bị bắn, chị Sáu bị trói vào cây dương khô cụt ngọn đứng trước mộ chị  ở khu B, Hàng Dương, Côn đảo. Cây dương này có  một nhánh trơ trọi chĩa về phía Bắc và do bị chết trẻ nên hàng đêm chị Sáu từ trong cây đi ra để giúp người lương thiện, trừng trị người ác,…

Huyền thoại kể rằng, khi chị Sáu hy sinh, phía trước ngôi mộ của chị  mọc lên một cây dương hai nhánh, một nhánh hướng phía Nam và một nhánh hướng phía Bắc xanh tốt tỏa bóng mát bên ngôi mộ.

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhánh dương hướng về phía Nam trên cây dương trước mộ chị đang xanh tốt, bỗng héo cành rồi chết hẳn. Người trên đảo truyền rằng, đây là ý nguyện của chị Sáu đã được thực hiện vì nước nhà đã thống nhất.

Đến năm 1993, khi Chủ tịch Nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 149, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu, ý nguyện của chị được thực hiện, thì cùng năm ấy nhánh dương hướng về phía Bắc bắt đầu héo cành rồi cả cây lụi chết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thống đi xác minh và trong quá trình tìm tư  liệu khi gặp lại những nhân chứng là những chiến sĩ từng bị tù đày ở Côn Đảo thì  được biết: Chi tiết chị Sáu bị trói vào cây dương khô cụt có một nhánh chĩa về phía Bắc là thông tin được các bạn tù “sáng tác”, còn nơi chị bắn không có cây dương và cũng không phải là khu Hàng Dương của Côn Đảo mà là gần sân bóng!

Với những nguồn thông tin trái ngược đó, anh Thống đã đi dò tìm, so sánh các nguồn tư liệu lưu trữ và các nhân chứng còn sống sót thì được biết, chị Sáu được chở tới Côn Đảo chiều 21/1/1952 bị đưa vào nhốt trong Sở Cò (đối diện với văn phòng giám đốc đảo). Chị Sáu ở đấy đêm 21, ngày 22 và rạng sáng ngày 23/1/1952 lúc khoảng 5 giờ, chị bị đưa đến văn phòng giám thị trưởng đặt trước sân Banh 1 để làm lễ rửa tội như các tù nhân khác. Sau đó, chị Sáu bị lôi đến sân Banh III phụ và bị bắn lúc 7 giờ sáng. Giặc bắn xong liền đưa xác chị ra ngoài Hàng Dương, phu được lệnh đã kéo xác chị chôn xuống huyệt đào sẵn.

Liệt sĩ Võ Thị  Sáu sinh năm 1933 là con ông Võ Văn Hợi và bà  Nguyễn Thị Đậu, người ở xã Long Mỹ  nay là xã Phước Long Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giống như các anh mình, chị Sáu tham gia hoạt động bí mật ở địa phương. Năm 13 tuổi, chị Sáu đã lập được thành tích xuất sắc ném lựu đạn phá cuộc họp của tỉnh trưởng Lê Thành Tường tại Đất Đỏ nhân quốc khánh Pháp (14/7/1949).

Tháng 2/1950, chị Sáu bị bắt trong trận đánh bằng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn Cà Suốt, cả Đay. Chị bị kết án tử hình, thực dân Pháp giam chị ở khám Chí Hòa 2 năm rồi đưa ra Côn Đảo xử bắn.

Ngày 2/3/1993, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh khi đó đã ký quyết định phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Sáu.

Lê Việt Nhâ

(Văn bản 3)

Võ Thị Sáu – Nữ đội viên công an xung phong sống mãi với quê hương

Nguyễn Thu Hương

Chủ Nhật, ngày 9/3/2008 –

http://www.anninhthudo.vn/Giai-tri/Vo-Thi-Sau-Nu-doi-vien-cong-an-xung-phong-song-mai-voi-que-huong/320783.antd

ANTĐ – Vào những ngày giáp Tết Mậu Tý 2008, Bảo tàng Công an nhân dân được đón đoàn đại biểu các má miền Nam thăm bảo tàng, một hình ảnh khiến chúng tôi vô cùng xúc động, má Nguyễn Thị Mười 85 tuổi, quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã dừng rất lâu trước hiện vật tượng đồng toàn thân nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và mảnh vải màu xanh tím than thực dân Pháp dùng bịt mắt nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại pháp trường Côn Đảo ngày 23-1-1952 (hiện vật này do Bảo tàng Cách mạng cung cấp). Trong hồ sơ quản lý hiện vật có ghi: “1/3 chiếc khăn bịt mắt nữ anh hùng Võ Thị Sáu, công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, bị thực dân Pháp hành hình 7 giờ sáng ngày 23-1-1952 tại Hành Dương, Côn Đảo.

Hiện vật do một cán bộ là tù nhân chính trị tại Côn Đảo là Phong Giao giữ được mang về miền Bắc đưa viện Bảo tàng tháng 12-1959”. Xem đến đây, má khuỵu xuống “Phụ nữ Việt Nam truyền thống anh hùng nối tiếp anh hùng, các chị mất đi nhưng vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước” – Má nghẹn ngào khóc.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Qua nhiều lần thử thách, năm 1947 Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ lúc 14 tuổi.

Với trí thông minh, dáng vóc nhỏ, nhanh nhẹn, Võ Thị Sáu đã luồn sâu vào vùng tạm chiếm từ thị trấn Đất Đỏ đến Phước Lợi, Long Mỹ, Phước Hải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng, đã giúp cho Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động đề phòng và tấn công địch có hiệu quả.

Võ Thị Sáu đã phát hiện kịp thời tên Sáu Thoại – nữ gián điệp làm chỉ điểm cho Pháp để báo cáo cho tổ chức xử lý. Tháng 7-1948, chị phát hiện tên Sớm là nhân viên công an xã đã phản bội, đang chỉ đường dẫn Pháp vào đánh úp căn cứ của Đội Công an xung phong. Nhờ thông tin báo cáo kịp thời Công an huyện và Đội Công an xung phong đã thoát khỏi nguy hiểm, bảo vệ được cách mạng.

Đội Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14-7-1948), do tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Để bảo vệ cuộc lễ, địch đã tăng cường lực lượng bảo vệ canh phòng, chăng dây thép gai quanh khu mít tinh, lập trạm gác các ngả đường về Đất Đỏ trước đó 3 ngày.

Võ Thị Sáu xin được trực tiếp đánh trận này. Chị nhận lựu đạn ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm. Buổi sáng hôm ấy, địch lùa đồng bào vào sân. Khi xe của Tỉnh trưởng vừa tới, chị Sáu tung lựu đạn về phía khán đài – nơi trống không có người để uy hiếp giải tán cuộc mít tinh.

Hai tổ công an xung phong chốt gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh đồng thời hỗ trợ cho Sáu rút an toàn. Các cơ sở của ta được bố trí trong đoàn người mít tinh hô to: “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn đồng bào giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và chị được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian.

Tên cai tổng Tòng là việt gian khét tiếng chống phá cách mạng, tổ chức cách mạng quyết định và giao cho Đội Công an xung phong trừ khử Tòng, Võ Thị Sáu được giao thực hiện nhiệm vụ này, sau khi đề xuất phương án và được được tổ chức đồng ý diệt tên Tòng ngay tại tổng hành dinh.

Một buổi sáng tháng 11- 1948, Võ Thị Sáu cải trang trà trộn cùng tốp người đi làm căn cước, mang theo trái lựu đạn “mãng cầu” nằm trong cơi đựng trầu. Giữa buổi, Võ Thị Sáu vào nhà làm việc của tên tổng cai Tòng, rút chốt lựu đạn ném thẳng vào mặt y và hô to: “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Lựu đạn nổ, cai Tòng nằm quằn quại trong vũng máu nhưng không chết, đám hội tề và lính đồn khiếp vía không dám lùng sục như trước nữa.

Tháng 2-1950, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt, không may chị bị địch bắt. Địch giam chị tại khám Chí Hòa (Sài Gòn). Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, chị chết đi sống lại nhiều lần nhưng địch không khai thác được gì ở chị.

Chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cộng sản, người Công an kiên cường, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cách mạng. Kẻ địch không khuất phục được người con gái quận Đất Đỏ, mặc dù Võ Thị Sáu chưa đến tuổi thành niên, thực dân Pháp vẫn đưa ra tòa xét xử và kết án tử hình. Để che giấu tội ác, giặc Pháp đày chị ra Côn Đảo chờ ngày đủ tuổi để thi hành bản án. Tại Côn Đảo, giặc Pháp tiếp tục dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc chị Sáu không được.

Đêm 22-1-1952, Võ Thị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo  kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam.

Sáng 23-1-1952, giặc Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra pháp trường xử bắn. Trước lúc hy sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội. Chị ôn tồn nói với linh mục: “Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”.

Khi được hỏi có ân hận điều gì trước khi chết không, chị đã trả lời: “Tôi chỉ ân hận chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Không cần bịt mắt, chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngày 3-8-1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu là một biểu tượng hiên ngang, lạc quan cách mạng, trước họng súng kẻ thù không hề run sợ, tỏ rõ được khí phách của người yêu nước, yêu cách mạng, tin tưởng tuyệt đối thắng lợi của cuộc cách mạng. Võ Thị Sáu được Đảng tin, nhân dân yêu quý, đồng đội mến phục, kẻ thù khiếp sợ.

Chị mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo, nhất là thế hệ trẻ trong lực lượng Công an nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của chị đã được suy tôn vào hàng những nhân vật tiêu biểu của Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam. Tượng Võ Thị Sáu đã được đặt tại quê hương, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Công an nhân dân. Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã đặt tên đường phố Võ Thị Sáu, biết rằng sự tôn vinh ca ngợi không thể bù đắp được những nỗi đau mất mát và hy sinh của chị và các anh hùng liệt sỹ cho sự nghiệp cách mạng dân tộc để có cuộc sống hôm nay.

Để thay lời kết, xin nêu hình ảnh: Sau cuộc hành hình Võ Thị Sáu, một người lính lê dương già đã bỏ ăn 3 ngày, anh ta luôn khóc than và sám hối với những tù chính trị ở công quán Côn Đảo: “Cô ta tin vào chính nghĩa dân tộc, bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến phút chót, dũng khí tỏa ra cả khi ngã xuống. Đó mới chính là anh hùng”.

(Văn bản 4)

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B5_Th%E1%BB%8B_S%C3%A1u

Võ Thị Sáu tên thật Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, Huyện Đất Đỏtỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnhBà Rịa – Vũng Tàu[2]. Cô được biết với vai trò là một nữ chiến sĩ anh hùng và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[3].

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Chị Võ Thị Sáu tên thật Nguyễn Thị Sáu có cha tên Võ Văn Hợi và mẹ tên là Nguyễn Thị Đậu, người ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏtỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giống như các anh mình, chị đã tham gia vào các hoạt động bí mật ở địa phương[4].

Mới 14 tuổi,chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế. Năm 1950 chị bị chính quyền Pháp bắt và bị tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4 năm 1951 vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Dù các luật sư biện hộ cho chị đã phản đối án tuyên này với lý do chị chưa đủ 18 tuổi. Trước khi bị đưa ra hành án, chị bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với chị, họ đã lén lút đem chị đi thủ tiêu. Một giai thoại kể khi nhóm đao phủ bảo chị quỳ xuống, chị đã quát lại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.[5] Vào 7 giờ sáng[6] ngày 23 tháng 1 năm 1952, Chị bị xử bắn tại Côn Đảo. Trước khi cái chết của chị, chị hô vang những lời cuối cùng “Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”

Mộ của Võ Thị Sáu hiện còn ở Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Ngày 2 tháng 3 năm 1993, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 149 truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[3][7].

(Văn bản 5)

Những chuyện ít biết về Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm

14:34:00 20/10/2013

http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2013/10/212485.cand

Trên chuyến đò ngang qua kinh Nguyễn Tấn Thành ở Long Hưng, cô lái đò cho biết rất rành mạch: “Cứ đi thẳng một khúc là tới chân cầu Ông Hổ, quẹo phải là đến. Ở đây chỗ nào cũng có chiến công của cô Tư…”. Nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm là con thứ tư trong gia đình gồm 9 chị em ở ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Đứng trước ngôi nhà cũ của gia đình chị Gấm, tôi gặp chị Dương Thị Hết, con dâu út, là vợ anh Lê Thanh Trúc, chiến sĩ Công an – người thừa tự nuôi hai con ăn học, sau khi anh Trúc bất hạnh qua đời do tai nạn mấy năm trước.

Chị Hết cho biết: Em kế chị Tư Gấm là liệt sĩ Lê Văn Nhựt hy sinh năm 1970. Chị Lê Thị Hồng Cẩm thứ ba, là bịnh binh ở cùng ấp với các anh Lê Trọng Nghĩa (thương binh ¼) thứ sáu, Lê Hồng Quang thứ bảy và Lê Hồng Minh thứ chín. Chị thứ tám Lê Thị Quỳnh Anh theo chồng về bên Đức Huệ – Long An. Cả gia đình ai cũng từng đi bộ đội, Công an.

Bên ly trà bốc khói, chiều miệt vườn bảng lảng khói mây và âm thanh cuộc sống vọng lại nghe rõ mồn một của sự yên bình, anh Sáu Nghĩa rít hơi thuốc dài rồi kể về chị Tư: Chị gan dạ nhất xứ này. Nhà nghèo có đôi trâu làm vốn nhưng bị pháo giặc bắn chết một con. Chị Tư suốt ngày chăn dắt trâu nên rất căm thù bọn giặc. Năm 16 tuổi, chị Gấm bí mật gia nhập đội du kích xã. Sau đó lên huyện được chỉ định về Long Hưng làm Xã đội phó xây dựng lực lượng đánh địch bảo vệ xóm làng. Nhiều lần mang tài liệu mật, đưa cán bộ vượt tuyến đối mặt với quân địch, chị đã mưu trí, dũng cảm thoát hiểm an toàn…

Khi về xã nhà, chị Tư nổi tiếng là một “kiện tướng đánh mìn” khiến bọn giặc khiếp vía khi đặt chân đến Long Hưng. “Tui chứng kiến một lần chị Tư cài mìn. Mờ sáng, anh em tui xách rổ lội vườn để nhổ nấm mối mọc sau mưa dịp rằm tháng 5 âm lịch. Bỗng chị Tư từ trong lùm bụi băng đến kêu hai đứa về nhà ngay vì lính sắp đi càn, chị hứa sẽ nhổ nấm mang về sau. Lần đó, cấp trên yêu cầu chỉ đánh mìn sau khi tiểu đoàn lính đi qua, chủ yếu tạo tiếng nổ thôi, vì hỏa lực địch rất mạnh, không an toàn.

Tức mình, chị Tư leo lên ngọn cây xoài nhìn, chị phát hiện hai tên cố vấn Mỹ đi giữa cao lênh nghênh nên “cãi lịnh” giật mìn nổ, khiến một tên cố vấn chết tại chỗ, một tên bị thương nặng đưa về Mỹ Tho cấp cứu và hàng chục tên lính khác bị thương. Trận đánh gây tiếng vang lớn. Mỗi lần Tư Gấm đi gài mìn, chị thường hỏi mẹ, bà chỉ dặn: “đừng để trúng trẻ con hay người dân mình nghe”.

Có lần nghe tin địch càn, chị Tư gài mìn Claymor dưới mé kinh. Chị rút bớt cây trên cầu khỉ chừa lại một cây khiến bọn lính không dám qua, buộc phải lội qua kinh… Mìn nổ, hàng chục tên đã chết và bị thương. Cạnh dốc cầu Ông Hổ, chị muốn gài hai trái mìn diệt lính canh bót, mẹ chị nghĩ ra cách giả vờ đi gánh rơm khô về cho trâu ăn, khi gần chân cầu “đánh rơi” đổ ra đường. Sau khi hốt dọn xong, phần rơm rơi vãi còn lại là chỗ ngụy trang cho con gái gài mìn đánh địch. Trận đó 13 tên giặc phải đền nợ máu.

Cho đến ngày Mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, chị Tư xin phép mẹ xuống Mỹ Tho chơi, khiến cả nhà đứng ngồi không yên như lửa cháy trong ruột vì nghe tin đánh nhau rất dữ dội trong nội thành. Hôm sau, một người hàng xóm về kể lại đã nhìn thấy tận mặt Tư Gấm ôm súng áp sát tường bắn máy bay trực thăng quần thảo trên trời và rút lui cùng bộ đội.

Tháng 8/1969, Lê Thị Hồng Gấm được cấp trên điều về làm Trung đội phó du kích vành đai liên xã Bình Đức sát nách Mỹ Tho. Trong quá trình chiến đấu tại đây, chị Lê Thị Hồng Gấm đã cùng du kích xã đánh 49 trận, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu 4 súng.

Đồng đội kể lại ngày chị hy sinh: “Hôm đó là ngày 18/4/1970, chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị cùng 2 nữ du kích đi mua thức ăn trữ cho Trung đội. Khi đến giữa cánh đồng (cách căn cứ Bình Đức 500 mét) bị máy bay địch phát hiện. Hai chiếc máy bay lên thẳng HU1A sà xuống rất thấp định bắt sống.

Trong tình thế nguy hiểm, chị Gấm ra lệnh: “Tôi có thể chạy thoát được nhưng nguy hiểm cho hai chị, nếu cả ba cùng ở lại chiến đấu thì không đủ vũ khí. Tôi ở lại chiến đấu, thu hút hỏa lực, còn hai chị chạy thoát ngay đi”. Nói xong, 2 nữ du kích chạy vào vườn, còn một mình với khẩu súng AR 15, chị chiến đấu với địch. Hai chiếc trực thăng HU1A xả đạn bắn uy hiếp, quần thảo trên đầu kêu gọi đầu hàng, chị bình tĩnh nhắm thẳng trực thăng nhã đạn, một chiếc cháy rơi tại chỗ… Chiếc trực thăng thứ hai sà xuống đổ quân, bao vây, chị bắn hạ thêm 3 tên địch. Bị thương nặng máu tuôn xối xả, chị vẫn tỳ vai, quỳ gối chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chị ngã xuống lúc mới tròn 19 tuổi.

Khi còn sống, chị xác định rõ rệt thái độ sống và chết của mình khi tiễn đưa người yêu: “Em nguyện suốt đời một lòng một dạ trung thành với cách mạng, chung thủy với anh”. Anh Sáu Nghĩa, rất hãnh diện khi kể về tình yêu của chị Tư mình: “Hồi đó chị quen anh bộ đội tên Khoa, có nói với mẹ chuyện lập gia đình, chị Tư nói: Hãy để khi hòa bình, thống nhất rồi tính chuyện đó chưa muộn mà”. Mãi đến khi đất nước hòa bình, anh Khoa quê ở Bến Tre, có về thăm gia đình và cúng bái chị mấy lần rồi sau đó lập gia đình, mất tin tức đến giờ.

Ngày 20/9/1971, liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị là nữ Anh hùng quân đội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang

Hoàng Châu

            NX: Cha mẹ? Các anh chị trên Hồng Gấm?

(Văn bản 6)

Ký ức tuổi thơ máu lửa

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=19481.180;wap2

…Sau 39 năm.  Hôm nay ( 24 -11- 2011 ) Ngồi trước mặt tôi là chị Tùng , người trung đội trưởng Hồng Gấm năm xưa đã tham dự trận đánh ấy, tôi mới biết rõ từng chi tiết .

Chị Tùng sinh ra và lớn lên trên mãnh đất thôn Thanh Điền xã Phổ Thuận. Cha đi tập kết, Hai anh trai  đi thoát li và đã hy sinh. Chị tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, làm liên lạc cho đội công tác. Khi chiến tranh ác liệt, mẹ và em gái tản cư xuống khu dồn ở Trà Câu, chị ở lại quê tham gia du kích xã, làm xã đội phó, sau đó lên huyện đội làm trợ lí quân báo.  Ngày 22-02-1972  chị được Huyện điều về tuyển quân thành lập trung đội nữ Hồng Gấm và giữ chức trung đội trưởng. Trung đội Hồng Gấm lúc đó có 36 cô và được đặt trong biên chế của đại đội Quyết Chiến . Lúc đó Huyện Đức phổ có 4 đại đội : 219 thành lập năm 1961, đầu năm 1972 có thêm 3 đại đội là : Quyết chiến , Quyết thắng và C120 …. Hỏi về Trận cô Hồng Gấm bị thương và bị bắn chết năm ấy. Chị bồi hồi nhớ lại :

Hôm ấy vào khoảng tháng 4 -1972  Hồng Gấm cũng phối hợp với C120 phục kích tại An Trường – Phổ Ninh để tiêu diệt tên thiếu tá Bửu Tương là quận trưởng Đức Phổ. Theo cơ sở báo và nhiều ngày theo dỏi biết được  mỗi sáng hắn thường đi xe Ríp từ quận ra các đồn An Sở và Quán Vịt để kiểm tra. Mờ sáng đơn vị đã ém quân ở xóm An Hòa, cách QL1 50m, cách ô Lê Văn Duyệt hơn 500m. Chẳng may hôm ấy lính trung đoàn 4- sư đoàn 2 đi đánh ở quận Sơn Tịnh về dưỡng quân ở hậu cứ E4 tại  Gò Hội, và biết được kế hoạch của quân ta.

…Còn chị Tùng sau đó tham gia vài trận nữa rồi chị lên tỉnh học. Trước kia chị có người yêu là anh Tấn – xã đội trưởng Phổ Thuận, rồi anh Tấn hy sinh. Lần thứ hai đến anh Tuôi – người mà chị cõng trên vai trong trận này cũng hy sinh. Đến bây giờ chỉ vẫn ở vậy và nhận đứa cháu làm con nuôi. Cháu đã có gia đình được hai con. Cậu con trai nhỏ được mẹ cho về ở với chị cũng đỡ bớt quạnh hiu lúc tuổi già .

(Văn bản 7)

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Th%E1%BB%8B_H%E1%BB%93ng_G%E1%BA%A5m

Lê Thị Hồng Gấm (1951[1] [2] -1970[3]) là một nhà cách mạng của Việt Nam, người đã tham gia vào công cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước[4].Cô sinh ra trong một gia đình nông dân lao động ở xã Long Hưng, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang)[5].

Hoạt động cách mạng

Tháng 12 năm 1967, Lê Thị Hồng Gấm đã tham gia cách mạng, và được phân công làm công tác giao liên xã. Cuối năm 1968 tổ còn lại duy nhất một mình cô. Đến tháng 12 năm 1968, cô trở thành xã đội phó, cùng lãnh đạo xã thuyết phục nhân dân bám đất, bám ruộng vườn sản xuất, ủng hộ cách mạng.

Tháng 8 năm 1969, Lê Thị Hồng Gấm được cử làm trung đội phó du kích vành đai liên xã. Ngày 18 tháng 4 năm 1970, để chuẩn bị cho trận đánh đêm, cô cùng 2 nữ du kích khác đi mua lương thực cho đồng đội. Khi ra giữa cánh đồng, các cô bị 2 chiếc máy bay trực thăng của quân địch phát hiện. Trước tình hình đó, Lê Thị Hồng Gấm đã chỉ đường trốn thoát cho đồng đội, còn bản thân thì lợi dụng địa hình chiến đấu, đồng thời thu hút sự chú ý của quân địch về phía mình[5]. Lúc này, hai chiếc trực thăng lượn vòng uy hiếp, cô bắn trả, một chiếc bị rơi tại chỗ, chiếc thứ 2 đổ quân bao vây, cô nổ súng diệt tiếp 3 tên địch. Tuy nhiên, do số lượng quân địch quá đông, mà hỏa lực lại tập trung bắn về phía cô, khiến cô bị thương quá nặng, đạn đã hết nên dùng chút sức lực đập gãy khẩu súng để vũ khí không rơi vào tay địch và anh dũng hy sinh[1][5][6].

Vinh danh

Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba, cùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng[3][7]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s